Ngày 06/09/2016 tại Giảng đường Cát Tường, Khoa Nông học trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã tổ chức hội nghị khoa học: “KIỂM SOÁT LỤC BÌNH (Eichornia crassipes) BẰNG BIỆN PHÁP SINH HỌC – ỨNG DỤNG BIỆN PHÁP SINH HỌC KIỂM SOÁT DỊCH HẠI TRONG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU” với sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học và quản lý nhà nước đến từ Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM, đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.
Hội nghị cũng hân hạnh được đón tiếp GS. TS. Nguyễn Thơ (Phó chủ tịch Hội BVTV Việt Nam, TS. Hirotaka Tanaka (Đại học Kyushu – Nhật Bản), PGS.TS.NGƯT. Huỳnh Thanh Hùng (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng), PGS. TS. Phạm Văn Hiền (Phó Hiệu trưởng) và toàn thể giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học của Khoa Nông học trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh.
TS. Võ Thái Dân (Trưởng khoa Nông học) nêu mục đích của hội nghị nhằm giới thiệu thành công trong việc sử dụng biện pháp sinh học kiểm soát hiệu quả lục bình tại thành phố Hồ Chí Minh, tiến đến định hướng kiểm soát hiệu quả lục bình tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ bằng biện pháp sinh học trong tương lai. Cũng như giới thiệu ứng dụng một số biện pháp sinh học thích nghi biến đổi khí hậu hiện nay.
Tại hội nghị, những nguyên nhân gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu, các tác động tiêu cực của hiện tượng này và định hướng giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đã được các nhà khoa học và quản lý nhà nước trao đổi, thảo luận. Một trong những vấn nạn đang sảy đến với ngành nông nghiệp là phát sinh thêm những loài dịch hại mới, hoặc nhiều dịch hại bộc phát gây hại nghiêm trọng hơn.
Lục bình, một loại thực vậy ngoại lai xâm lấn vô cùng nguy hiểm, đe dọa sự ổn định của các vùng sinh thái nước ngọt, cạnh tranh với tất cả các loài khác phát triển trong các vùng lân cận, đặt ra một mối đe dọa đến đa dạng sinh học thủy sản. Ngoài ra, lục bình còn là nơi để một số sinh vật môi giới gây hại cho sức khỏe con người ẩn nấp, điển hình như muỗi, sán và một số động vật gây hại khác. Lục bình gây tắc nghẽn hệ thống tưới tiêu, thủy lợi, tràn ngập vào các đồng lúa gây cản trở giao thông đường thủy, hoặc thoát nước trong các trung tâm thành phố, gây ngập lụt c5c bộ trong mùa mưa... Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Long An cho biết: “Trên hệ thống kênh rạch của tỉnh, lục bình phát triển rất mạnh gây cản trở dòng chảy, cản trở nghiêm trọng giao thông thủy, làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nhiều khu vực bị lục bình lấp kín, gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, giảm đa dạng sinh học và là nơi chứa đủ loại mầm bệnh. Các “rừng” lục bình là nơi trú ngụ và sinh sôi hết sức lý tưởng của đàn chuột, ốc bươu vàng gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình trên, ngày 04/4/2014 UBND tỉnh Long An đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về công tác cấp bách vớt lục bình trên sông, kênh, rạch. Tỉnh đã liên tiếp chỉ đạo nhiều đợt ra quân đồng loạt vớt, diệt lục bình tuy nhiên việc trục vớt gặp rất nhiều khó khăn, sau đó lục bình lại sinh sôi và dày đặc trở lại.”
Hiện nay, biện pháp để thu gom, trục vớt lục bình chủ yếu sử dụng biện pháp thủ công, các máy tự chế hoặc phòng trừ bằng thuốc trừ cỏ, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao. Ông Phạm Văn Yên, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Tây Ninh nêu lên tại hội nghị khó khăn của tỉnh trong công tác kiểm soát lục bình: “Hàng năm, tỉnh Tây Ninh chi nhiều tỉ đồng cho việc trục với lục bình bằng thủ công cũng như các phương tiện cơ giới tự chế để hạn chế lục bình gây hại trên nhánh sông Vàm Cỏ chảy qua địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm và chỉ đạo công tác trục vớt lục bình khai thông dòng chảy, lưu thông phương tiện giao thông đường thủy, tỉnh cũng đã kết hợp với một số đơn vị doanh nghiệp, ký hợp đồng trục vớt lục bình trong nhiều năm với số tiền hành tỷ đồng nhưng hiệu quả mang lại không như mong đợi, vấn nạn lục bình vẫn chưa giải quyết được.”
Việc diệt trừ lục bình đã được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Khoa học và Công nghệ, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm từ lâu. Công tác trục vớt lục bình bằng thủ công hay trục vớt bằng máy đã và đang được thực hiện và mang lại những hiệu quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, sau mỗi đợt trục vớt, lục bình lại lây lan rất nhanh, chưa kể chi phí cho công tác trục vớt là rất tốn kém. Việc phòng trừ bằng thuốc trừ cỏ gần như là không thể thực hiện trong điều kiện thành phố chúng ta do quan ngại về ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, tiêu diệt các nguồn thủy sinh.
Từ các kết quả nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới và khu vực về việc sử dụng các loài thiên địch để phòng trừ lục bình, sau thời gian nghiên cứu và tìm kiếm trên khắp đồng bằng sông Cửu Long và hệ thống sông rạch các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Khắc Hoàng, thuộc bộ môn Bảo vệ Thực vật, khoa Nông học trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh đã bắt được 2 loài thiên địch Neochetina eichhorniae và Neochetina bruchi đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng để kiểm soát thành công lục bình. Với sự đầu tư kinh phí từ Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu do TS. Lê Khắc Hoàng, đã nghiên cứu thành công việc nhân nuôi và kiểm tra phồ ký chủ của của bọ Neochetina eichhorniae (Coleoptera: Curculionidae) kiểm soát hiêu quả lục bình.
Khoa Nông học trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng bọ lục bình Neochetina eichhorniae (Coleoptera: Curculionidae) kiểm soát hiêu quả lục bình trên một nhánh sông tại địa bàn Quận 12 thành phố Hồ Chí Minh. Thành công của đề tài là cơ sở để nhân rộng biện pháp sinh học kiểm soát lục bình trên hệ thống kênh rạch ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Ngay tại hội nghị, đại diện chị cục BVTV Tây Ninh và chi cục Thủy Lợi Long An c4ng đã đề xuất mong muốn cộng tác nghiên cứu xây dựng mô hình thử nghiệm tại tỉnh nhà.
Bên cạnh những hoạt động chính, hội nghị nêu lên tầm quan trọng của biện pháp đấu tranh sinh học và ứng dụng biện pháp đấu tranh sinh học trong kiểm soát dịch hại thích nghi biến đổi khí hậu do GS. TS. Nguyễn Thơ (Phó chủ tịch Hội BVTV Việt nam, ThS. Nguyễn Văn Đức Tiến (trưởng phòng Nông nghiệp, SỞ NN & PTNT TPHCM) và TS. Hirotaka Tanaka (đến từ Đại học Kyushu Nhật Bản) trình bày.
LAN NGỌC/Tin Môi Trường