(TN&MT) - Thời gian gần đây, các cơ quan thông tấn liên tục phản ánh tình trạng người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng không chấp hành các quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường. Hoạt động xả thải của các trang trại chăn nuôi này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và môi trường xung quanh.
Ví như, trên báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường ngày 24/2/2016, người dân thôn Thanh Hòa, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) phản ánh, bà con nơi đây đã và đang phải sống chung với ô nhiễm từ những hộ dân nuôi nhốt gia súc trong khu dân cư. Hàng chục con bò, lợn mỗi ngày thải ra một lượng lớn chất thải, phả mùi hôi thối ám ảnh từng bữa cơm, giấc ngủ của người dân. Trong khi đó, báo Khánh Hòa online ngày 23/2/2016 cho biết, đã nhiều năm nay, các hộ ở thôn Tân Lập, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) phải chịu cảnh môi trường ô nhiễm do một trại nuôi heo ở địa phương….
Hộ chăn nuôi gia súc cần chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường
Để hiểu hơn về mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm trên, báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường xin đưa ra một số phân tích pháp lý cụ thể về các quy định bảo đảm môi trường chăn nuôi; hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về môi trường chăn nuôi.
Theo đó, hộ chăn nuôi phải đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 68 Luật bảo vệ môi trường 2014 như sau: Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật; Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động; Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường.
Như vậy, hộ kinh doanh chăn nuôi gia súc, gia cầm phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt, hộ kinh doanh chăn nuôi lợn phải xử lý chất thải. Nếu họ không đảm bảo những yêu cầu trên mà gây ô nhiễm môi trường thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước.
Nếu hành vi vi phạm của hộ gia đình kinh doanh chăn nuôi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể: Về hình thức xử phạt chính, mức xử phạt
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Cảnh cáo; Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
Như vậy, nếu hộ gia đình này bị xử phạt hành chính về hành vi gây ô nhiễm môi trường thì hoặc là bị cảnh cáo nếu trong trường hợp vi phạm lần đầu và không hành vi vi pháp pháp luật gây ô nhiễm môi trường không nghiêm trọng hoặc là sẽ bị xử phạt không quá 1.000.000.000 đồng.
Bên cạnh hình thức xử phạt chính thì hộ gia đình này cũng có thể sẽ bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hâu quả sau theo quy định tại điểm a, c và l của Khoản 3, Điều 4 Nghị định 179/2013/NĐ-CP, gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc trồng lại, chăm sóc và bảo vệ diện tích khu bảo tồn đã bị phá hủy, phục hồi sinh cảnh ban đầu cho các loài sinh vật, thu hồi nguồn gen từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; Buộc xây lắp công trình xử lý môi trường theo quy định; buộc vận hành đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường theo quy định;
Đặc biệt, hành vi vi phạm pháp luật của hộ gia đình chăn nuôi có thể bị truy cứu trác nhiệm hình sự nếu như trước đó chủ cơ sở kinh doanh chăn nuôi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về gây ô nhiễm môi trường.
Báo TN&MT